top of page

VSTEP - chứng chỉ tiếng Anh 'nội' hội nhập sân chơi quốc tế

Đã cập nhật: 25 thg 2, 2023

Ngày học trên trường, tối đi học thêm, các sĩ tử ngày đêm nỗ lực hết mình cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia (THPTQG) khi hầu hết các trường đại học xét tuyển chỉ tiêu chỉ dựa trên kết quả thi. Thật không khó để bắt gặp những hình ảnh này chỉ ít năm trước đây. Thế nhưng, việc ngày càng có nhiều trường đại học đẩy mạnh ưu tiên phương thức xét tuyển chứng chỉ tương đương khiến trào lưu thi chứng chỉ lại nở rộ hơn bao giờ hết.



Đáng nói, bên cạnh những ông lớn đã có tên tuổi như IELTS hay TOEFL, VSTEP - chứng chỉ tiếng Anh chuẩn hoá đầu tiên của Việt Nam - ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên danh sách các chứng chỉ được công nhận xét tuỷen của các trường đại học. Việc VSTEP cạnh tranh với các chứng chỉ quốc tế cũng là một tín hiệu đáng quan tâm, nhưng liệu rằng đây có phải là một tín hiệu tốt hay chưa lại là một câu hỏi lớn.


Chứng chỉ tiếng Anh ‘nội’ mang tên VSTEP

Vietnamese Standardized Test of English Proficiency là tên viết tắt của chứng chỉ VSTEP được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm 2014. Đây là kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (gọi tắt là KNLNN), tương đương với 6 bậc của khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR).


Đây là chứng chỉ ‘do người Việt, cho người Việt’ vì bài thi do Việt Nam tự thiết kế, được sử dụng trong phạm vi toàn quốc nhưng đề thi lại mang tính tổng hợp của nhiều loại đề thi chứng chỉ quốc tế khác như IELTS, với lệ phí thi thấp hơn, thời gian ôn luyện được rút ngắn cũng như nhiều địa điểm tổ chức thi với tần suất dày.



VSTEP ban đầu được ra đời nhằm đánh giá năng lực giáo viên tiếng Anh, hay điều kiện thi tuyển công chức, viên chức, và cao học. Nay, cái tên VSTEP ngày một đến gần hơn với đông đảo học sinh, sinh viên khi chứng chỉ được đưa vào tiêu chí xét tuyển của một số trường đại học trong nước.

Thang điểm

Sứ mệnh của VSTEP

Thời hạn chứng chỉ

Lệ phí và địa điểm thi

Cấu trúc bài thi

Sức bật của VSTEP tại Việt Nam có đủ mạnh?

  • Bối cảnh biến động của chứng chỉ tiếng Anh

Thời điểm giữa tháng 11/2022, khi hàng loạt truyền thông báo đài đưa tin việc tạm hoãn nhiều kì thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có IELTS đã khiến cho không biết bao nhiêu thí sinh và các bậc phụ huynh như ‘ngồi trên đống lửa’, đặc biệt là các học sinh lớp 12 muốn dùng chứng chỉ để xét tuyển bậc đại học. Nhưng cùng thời điểm đó, Đại học Quốc gia TP.HCM với 9 trường thành viên và một số đại học khác nhắc tới khả năng sử dụng thêm chứng chỉ VSTEP để tuyển sinh. Tin vui nối tiếp khi Đại học Công nghiệp TP.HCM cũng ra thông báo dự kiến đưa VSTEP vào tuyển sinh năm 2023. Trước đó, hai đại học lớn là Đại học Ngoại ngữ và Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã ra thông báo sử dụng VSTEP để xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển đại học. Nó cho thấy, VSTEP trở thành một lựa chọn khôn ngoan trong bối cảnh tạm hoãn của các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.



  • Bất cập xoay quanh VSTEP

Ấy vậy, dù được truyền thông tích cực và được các trường đại học uy tín lấy làm tiêu chí xét tuyển đầu ra và đầu vào nhưng học sinh, sinh viên lại không thể hiện sự mặn mà với hệ thống chứng chỉ này. Bởi lẽ nhu cầu thi chứng chỉ IELTS tại Việt Nam hiện vẫn còn rất lớn. Thực tế, ngay chính Bộ Giáo dục và Đào tạo mặc dù đã thông qua chứng chỉ này, cũng không sử dụng chứng chỉ VSTEP để quy đổi điểm ngoại ngữ cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Thay vào đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo miễn thi và tính điểm 10 môn ngoại ngữ trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 (hoặc các chứng chỉ tiếng Anh khác, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Trung theo quy đổi điểm từng loại chứng chỉ) trở lên. Vậy đến bao giờ chứng chỉ VSTEP mới đủ sức cạnh tranh và có chỗ đứng nhất định ngay tại ‘sân chơi nước nhà’? Việc VSTEP không được trọng dụng khiến người ta dễ băn khoăn về chất lượng bài thi.


Nội dung bài thi VSTEP được xây dựng còn sơ khai vì phần lớn đề thi vẫn còn dựa theo hình thức góp nhặt từ nhiều loại đề thi chứng chỉ quốc tế khác nhưng lại được biến tấu để có phần dễ thở hơn. Dẫn đến tình trạng có thể lấy tài liệu của chứng chỉ này để ôn thi cho chứng chỉ khác. Bởi bài thi chưa được xây dựng theo một chuẩn riêng. Dường như, chúng ta vẫn chưa đủ nguồn lực để có các nghiên cứu đáng tin cậy nhằm hổ trợ cho bài thi. Được biết, thực tế ở kì thi IELTS, các đơn vị đồng tổ chức trao khoảng 5 suất tài trợ từ 5.000 - 10.000 USD cho các nhà nghiên cứu khoa học chỉ để nghiên cứu và cải thiện hiệu quả của bài thi. Chưa kể đến, các giám khảo IELTS cũng sẽ phải nhận huấn luyện định kỳ trong 1 năm mỗi 4 năm đi chấm để đảm bảo chất lượng chấm thi.





Điểm quan trọng của 1 bài thi là ‘tính công nhận quốc tế’. VSTEP nước ta còn thiếu sót. Đến nay, vẫn chưa có một tín hiệu rằng chứng chỉ sẽ được công nhận bởi các trường đại học hàng đầu, hay cơ quan di trú, hay công ty, tập đoàn công nhận. Chứng tỏ chứng chỉ chưa đạt chuẩn quốc tế. Phạm vi sử dụng vì thế cũng chỉ ở trong nước. Đây sẽ là một rào cản lớn cho sự vươn mình ra thế giới của VSTEP.


Ngoài ra, việc tổ chức thi hiện nay vẫn chưa đạt được tính đồng bộ về điều kiện cơ sở vật chất. Một số phản hồi không mấy tích cực về hình thức thi trên máy tính như thí sinh dễ gặp trục trặc về mặt kỹ thuật nhưng không được hỗ trợ kịp thời. Nội dung đề giữa các điểm thi không nhất quán, có trường dễ, trường khó, đội ngũ khảo thí cũng khó đạt chất lượng như quốc tế. Ví dụ, thí sinh thi ở trường A có thể được 7/10 nhưng thi ở trường B có thể là 8. Trong khi điều này lại khó xảy ra hơn trong các bài thi quốc tế. Một thí sinh thi ở Hà Nội được 7.0 thì vào TP.HCM, nếu có chênh lệch cũng chỉ phần trăm nhỏ. Như vậy, đánh giá chất lượng thí sinh cũng khó đảm bảo, dễ dẫn đến thực trạng xét tuyển không công bằng.

Nhìn chung, việc chứng chỉ VSTEP còn nhiều lỗ hổng trong chất lượng bài thi, tính công nhận và công tác tổ chức thi là những yếu điểm khó thể tránh khỏi đối với chứng chỉ hàng nội còn non trẻ ở nước ta. Thẩm định chất lượng bài thi cần được đầu tư nghiêm túc, các đơn vị tổ chức thi cần triển khai đảm bảo tính minh bạch và công bằng cho các thí sinh là những bước đệm trước mắt giúp chứng chỉ đạt được công nhận quốc tế.

  • Tùy vào mục đích sử dụng, VSTEP vẫn là lựa chọn đáng cân nhắc

Nhận ra mặt hạn chế là điều nên làm, nhưng bác bỏ những lợi ích mà VSTEP mang lại lại là một điều đáng tiếc. Thực chất, sẽ luôn luôn có những bất cập xoay quanh các chứng chỉ phổ biến hiện nay, ngay cả khi các chứng chỉ này được công nhận quốc tế. Ví dụ, đối với chứng chỉ thịnh hành như IELTS, vẫn có những phản ánh không tốt về công tác tổ chức ở một số địa điểm thi, hay tính biến động về độ khó bài thi cũng có phần thất thường, gây hoang mang không nhỏ cho giới sĩ tử. Công bằng mà nói, khi đặt lên bàn cân về lệ phí thi giữa các loại hình chứng chỉ phổ biến hiện nay trong tiêu chí xét tuyển, VSTEP được đánh giá có mức giá cạnh tranh khi nội dung thi vẫn bao gồm cả 4 kỹ năng tiếng Anh. Độ khó được đánh giá cũng dễ thở hơn so với chứng chỉ quốc tế khác. Đơn cử là hai kỹ năng nghe và đọc được thiết kế toàn bộ trên hình thức trắc nghiệm. Trong khi đó khi so với các chứng chỉ quốc tế khác, độ đa dạng về dạng bài thi cũng kém nổi bật hơn, sẽ dẫn đến việc hai kĩ năng được khảo thí không được bao quát do thiếu sự đa dạng trong cấu trúc đề. Kể đến, mức phí bỏ ra cho một khóa luyện thi cũng không hề đắt đỏ, với nguồn tài liệu phong phú đi kèm giúp thí sinh có thêm nhiều sự chuẩn bị cho kì thi. Tính linh hoạt trong khâu lựa chọn thời gian hay địa điểm thi cũng giúp thí sinh có phần tự chủ hơn trong việc nộp hồ sơ xét tuyển đầu ra hay đầu vào. Ngoài ra, đối tượng hướng đến của VSTEP cũng tương đối rộng, đặc biệt là công viên chức nhà nước hay sinh viên bậc cao học. Thế nên, cách tốt nhất là căn cứ mục đích sử dụng chứng chỉ để đăng ký các kì thi phù hợp. Cũng cần lưu ý rằng, chứng chỉ VSTEP hiện chỉ có hiệu lực tại Việt Nam, và thời hạn còn tùy thuộc vào yêu cầu mỗi đơn vị. Hiện tại, không phải tất cả các trường đại học đều công nhận VSTEP. Vì thế, bạn đọc cần tìm hiểu thêm về qui định riêng ở mỗi trường.

  • Tổng kết

Có thể thấy, VSTEP vẫn có phần lép vế ngay tại nước nhà, việc nó chưa được công nhận nhiều là điều gần như hiển nhiên, khi người người nhà nhà chạy theo IELTS như một xu thế. Cái khó ở đây là làm sao để cho VSTEP có công dụng trong nước. Việc có mức giá cạnh tranh đã là một bước đệm đầu khi được cho là phù hợp với túi tiền người Việt hơn nhưng vẫn bao quát cả 4 kỹ năng tiếng Anh như các chứng chỉ quốc tế. Việc tiệm cận gần hơn với tiêu chuẩn quốc tế là điều không thể phủ nhận. Nhưng để VSTEP mang tính thuyết phục hơn và lấn sấn xa hơn lại rất cần nhiều sự đầu tư và thay đổi để có một vị thế nhất định tại chính sân nhà của mình.


Hayakawa Dương Kim Hồng viết

Uông Trần Gia Trí biên tập


Comments


Rì-viu học sinh ❤️
facebook_icon.webp
Nơi chúng tôi nghiêm túc
@cplusenglish
instagram_icon.webp
Nơi chúng tôi share story học sinh
@cplusenglish
tiktok_icon.webp
Nơi chúng tôi
vô tri @cplusenglish
facebook_icon.webp
Nơi chúng tôi quậy
@trungtamanhngu
lauhaingoai
button_meomeo.webp
Bảng vàng IELTS ✨
Học liệu ngữ pháp 📄
DesignVong_white_edited.png
Cơ sở 1: 143/7 Lê Thị Riêng, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Tp.HCM
Cơ sở 2: 524/1 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 4, Quận 3, Tp.HCM
Cơ sở 3: Số 4 Đường số 23, Phường 4, Quận 4, Tp.HCM
ĐT: 0908 74 55 27 - 0982 43 59 97
bottom of page