Đừng "thần thánh hoá" IELTS
- Hayakawa Dương Kim Hồng
- 3 thg 4, 2023
- 8 phút đọc

‘Con tôi học IELTS ở trung tâm X được hơn năm nay rồi. Con chị học chưa?’, ‘Thời này đi học IELTS đi, chứ tiếng Anh trong trường thì dạy tào lao hết có được gì đâu.’, ‘Học IELTS bên này bao đậu mốt khỏi thi đại học nữa, sướng hơn nhiều.’
Hẳn ai trong chúng ta, dù đang là phụ huynh hay còn ngồi ghế nhà trường, đều đã từng nghe loáng thoáng những câu hỏi, câu nói đại loại như vậy. Không biết từ bao giờ, IELTS và tất cả những hào nhoáng quanh nó lại được xem là thước đo cho năng lực tiếng Anh toàn diện, là minh chứng cho sự đẳng cấp. IELTS được ví như chìa khoá dẫn đến thành công, sự “nhàn rỗi”, hay một cách để “giải thoát” khỏi hệ thống giáo dục THPT có phần theo lối mòn. Liệu thực hư ra sao?
Không thể phủ nhận giá trị mà IELTS đem lại
Cấu trúc bài thi IELTS bao gồm 4 kỹ năng. Nghiên cứu của Dang & Dang (2021) lần lượt chỉ ra những lợi ích nổi bật mà IELTS đem lại ở từng mảng kỹ năng. Thứ nhất, về kỹ năng viết, việc học thi IELTS giúp người học có tư duy triển khai bài viết một cách mạch lạc và liên kết hơn. Thứ hai, về kỹ năng nói, được chia thành ba phần với nhiều chủ đề khác nhau giúp thí sinh mở rộng thêm vốn từ ở nhiều đề tài, tăng độ tự tin và trôi chảy khi giao tiếp. Thứ ba, ở kỹ năng đọc, hai kỹ năng chính như đọc lấy ý chính (skimming) và đọc lấy thông tin cụ thể (scanning) giúp thí sinh có chiến thuật đọc tốt hơn cũng như có tính ứng dụng cao ngay cả trong môi trường học thuật khác. Thứ tư, ở kỹ năng nghe, thí sinh cũng nhạy bén ứng phó hơn trước những tình huống đời thường hay cả những đoạn hội thoại phức tạp hơn.
Bản chất IELTS sinh ra để sử dụng như một thước đo rằng một người có đủ khả năng để tri nhận và sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh trong môi trường học thuật ở bậc đại học (Academic) hay trong môi trường làm việc hoàn toàn bằng tiếng Anh (General) hay không. Trong thời buổi kinh tế chất xám thì nó là tiêu chuẩn để các tổ chức giáo dục hay doanh nghiệp sàng lọc. Bên cạnh TOEFL, IELTS là một trong hai kỳ thi tiếng Anh quốc tế phổ biến nhất thế giới. Vì vậy, có trong tay chứng chỉ IELTS với điểm số cao là một lợi thế cực lớn ở bước khởi đầu. Người ta lấy làm khâm phục những người có năng khiếu sẵn về ngôn ngữ, nhưng điểm số cao cũng cho thấy bạn thật sự nghiêm túc với con đường học thuật của mình. Sự đầu tư thời gian, tiền bạc, và công sức này thật đáng ghi nhận. Đạt được điểm số mà người khác chỉ biết ao ước là một thành tựu đáng để tự hào, vì bạn đã bỏ ra quá nhiều thứ để có ngày hôm nay. Chưa kể, chỉ cần lướt qua các điều kiện cơ bản trong xét tuyển học vấn, năng lực ngoại ngữ đã là một năng lực cơ bản mà khi có điểm cao, bạn tăng lợi thế cạnh tranh. Hay trong môi trường công sở, với xu hướng hội nhập quốc tế như hiện nay, người ta ấn tượng với trình độ tiếng Anh tốt cũng là điều dễ hiểu.
IELTS, một thước đo ‘nhựa’ cho trình độ tiếng Anh
Vốn dĩ IELTS là một kỳ thi mang tính thang đo, không đo được tính toàn diện mà chỉ đo được lát cắt (cross-sectional). Nói dễ hiểu hơn, bài thi IELTS có thể đánh giá bạn đã làm tốt bài thi đó ở mức độ nào, với thực lực tại thời điểm đó và với đề thi đó. Điểm cao tương đương với việc bạn thành thạo tiếng Anh trong môi trường học thuật ở một mức độ và hoàn cảnh nhất định.
Giá trị cốt lõi của tấm bằng sẽ đi chệch hướng nếu bạn cho rằng có bằng là đủ, hay có bằng điểm cao lại càng đủ. Mọi thứ chỉ dừng lại ở bằng cấp, bạn tạm gác qua một bên và cho rằng mình đã quá ‘đủ’. Rồi bạn vỡ mộng khi bước chân sang môi trường nước ngoài, các chất giọng khác nhau với tốc độ nói cũng khác nhau - một vấn đề thường xuyên hiện hữu trong các môi trường học tập có nhiều sinh viên quốc tế, cộng với vô vàn những kiến thức tại môi trường mới khiến bạn lóng ngóng và liên tục tự hỏi. Cụ thể, nếu bài thi IELTS đòi hỏi kiến thức ở mức thông thường thì các bài kiểm tra ở các khóa học chính quy lại đòi hỏi kiến thức chuyên ngành sâu. Vì vậy, lúc này bạn không thể chỉ dựa vào những kiến thức mà bạn đã biết trước mà buộc bạn phải đọc thêm, hiểu thêm nhiều tài liệu để mở rộng kiến thức (Dang & Dang, 2021; Moore & Morton, 2007). Cũng theo Moore & Morton (2007), trong bài thi IELTS, nhiệm vụ thuyết phục (hortation) chiếm tỷ lệ quá lớn và có quá ít nhiệm vụ tóm tắt (summarisation), giải thích (explanation), so sánh (comparison) và đề xuất (recommendation), do vậy các bài luận ở giảng đường sẽ có phần tinh vi, phức tạp và kì công hơn khá nhiều. Đó là chưa tính tới yêu cầu cao hơn hẳn về mặt ngôn ngữ mà các bài tập ở trường đại học yêu cầu. Bởi nếu bạn có 60 phút để tập trung cho bài thi viết IELTS, nhưng để hoàn thành một bài tập, sinh viên có thể cần tới 8 tuần (Moore & Morton, 2007). Cũng vì thế mà nhiều sinh viên không nhận ra được rằng khối lượng công việc cần được thực hiện lớn đến mức nào khi thực sự dấn thân vào con đường học thuật chuyên sâu hơn, chẳng hạn như một khóa học cử nhân hoặc thạc sỹ chính quy ở Anh hoặc Mỹ.
Nói cho cùng, hơn ai hết, bạn nhận ra mình phải là người luôn tích cực trau dồi. Bởi việc sử dụng và học là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Bạn học tốt, bạn điểm cao, nhưng để sử dụng một cách tự nhiên và thành thạo ở đời thường hay trong môi trường học thuật nghiêm túc bạn cần luyện tập không ngừng nghỉ. Bằng không, điểm số bạn đạt được cũng chỉ ở thì quá khứ.
Thêm vào đó, nếu chạy quanh các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn, hàng trăm các điểm giáo dục thi nhau treo các biển quảng cáo về luyện thi IELTS. Lướt nhẹ qua các mạng xã hội, các thần đồng IELTS nở rộ nhiều đến mức khiến người ta nghĩ rằng chẵng còn gì tốt hơn bằng con số 7.0 hay 8.0. Hay đơn giản chỉ nhắc đến việc chứng chỉ này ta nên thi ở đâu, cũng nổ ra hàng loạt tranh cãi của cộng đồng mạng, vì sẽ có người nói ở bên này thi “dễ hơn bên kia”.
Có cung thì sẽ có cầu. Với độ phủ rộng của IELTS như hiện nay, số tiền mà Phụ huynh sẵn sàng bỏ ra cho một khóa học cho con mình cũng vì thế mà tăng đột biến. Hệ lụy của sự biến tướng này là việc ôn thi chứng chỉ ngày càng mang tính chất ‘ăn xổi’, thí sinh cũng có tâm lý ôn thi để đạt đủ điều kiện hoặc theo xu thế chung mà cơ bản còn mơ màng không biết lấy chứng chỉ để làm gì. Suy nghĩ này khiến bạn nhầm lẫn, cũng như tự hại chính mình, nên xét về năng lực ngoại ngữ đường dài thì kém hiệu quả. Sự nhận biết không đến nơi đến chốn, cộng với tâm lý lo lắng thái quá của Phụ huynh châu Á, chính là cần câu cơm của vô vàn các trung tâm “luyện thi IELTS bao đậu”, “luyện thi IELTS cam kết đầu ra”, hay “luyện thi IELTS với phương pháp hoàn toàn độc quyền học cực ít nhưng thi được điểm cao”. Rõ ràng, IELTS được tôn sùng đến mức vượt xa mục đích ban đầu.
Học IELTS rồi, tiếng Anh THPT là vô bổ?
Một quan niệm hết sức “tầm bậy” mà rất nhiều trung tâm luyện IELTS “bơm” vào tâm trí của Quý phụ huynh và học viên chính là việc IELTS có thể phủ định hoàn toàn những giá trị mà môn tiếng Anh ở bậc THPT mang lại.

Theo quy luật của sự phát triển, cái ra đời sau không thể nào phủ định hoàn toàn những cái đã xuất hiện trước. Sự vận động phát triển của sự vật, sự việc mang tính kế thừa. Nếu IELTS được sử dụng như một thang đo mới cho việc xét tuyển Đại học, thì chắc chắn nó đã “đến sau” so với kỳ thi Tuyển sinh Đại học, hay nay gọi là kỳ thi THPTQG. Đồng ý rằng việc dạy và học tiếng Anh ở bậc THPT còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, việc bỏ qua nó hoàn toàn sẽ là rào cản khổng lồ để bất kì bạn học sinh nào đạt được điểm số IELTS từ 7.0 trở lên.
Chương trình tiếng Anh THPT cũ rất hạn chế trong việc tạo điều kiện cho học sinh phát triển các kỹ năng như Speaking và Writing, nhưng cung cấp một nền tảng khổng lồ và vững chắc về ngữ pháp và từ vựng. Các mảng ngữ pháp cơ bản và mang tính nền tảng như các thì, câu bị động, câu tường thuật, mệnh đề quan hệ hay câu điều kiện, đều là những công cụ để bài nói, bài viết trau chuốt hơn, sát với cách người bản xứ sử dụng tiếng Anh trong môi trường học thuật hơn.
Không ai xây tường nhà bằng cách xếp chồng một tá gạch lên nhau rồi phết sơn cả, vì chắc chắn bức tường này chỉ như tờ giấy, mà lỡ lưng tựa vào một cái cũng đủ để mọi thứ đổ sập. Hàng gạch, viên gạch nào cũng cần được quết vữa, và nhà muốn xây lên cao đều phải đào móng, đóng cột, đổ bê tông, đặt cốt thép. Tương tự, không ai nói hay viết bằng tiếng Anh bằng cách lắp ghép một tá các từ khó, từ cao siêu mà thành bài hay cả. Ngữ pháp, bố cục câu, cấu trúc bài chính là những điều kiện đủ để song hành với các từ này, để bài nói, bài viết được tốt hơn, chỉn chu hơn, trau chuốt hơn, và được đánh giá cao hơn rất nhiều.
Tổng kết
Với tư cách người học, chúng ta nên hiểu được ý nghĩa và giá trị của tấm bằng IELTS, những khác biệt lớn giữa bài thi IELTS và bài tập trong khóa học chính quy ở một trường đại học ở nước ngoài, và những năng lực khác mà chúng ta thật sự cần để có thể thành công trong khía cạnh học thuật.
Bên cạnh đó, nếu còn ngồi trên ghế nhà trường, khi bạn cảm thấy mình chưa có nhu cầu học IELTS, hay không biết học IELTS để làm gì, hoặc thậm chí đang có suy nghĩ “học IELTS để đỡ phải thi đại học”, hãy dành ra một chút thời gian để suy ngẫm về thái độ của mình đối với tiếng Anh. IELTS không hề dễ hơn tiếng Anh ở bậc THPT, mà có thể khó hơn ở nhiều mặt. Ngược lại, tiếng Anh THPT không hề vô dụng, mà là một sự bổ trợ cần thiết, tạo đà cho việc học IELTS hay học tập nhiều thứ khác thông qua tiếng Anh một cách dễ dàng hơn.
Tài liệu tham khảo
Dang, C. N., & Dang, T. N. Y. (2021). The Predictive Validity of the IELTS Test and Contribution of IELTS Preparation Courses to International Students’ Subsequent Academic Study: Insights from Vietnamese International Students in the UK. RELC Journal. https://doi.org/10.1177/0033688220985533
Moore, T., & Morton, J. (2007). Authenticity in the IELTS academic module writing test a comparative study of Task 2 items and university assignments. IELTS Research Reports, 2, 74–116.
Commentaires